Hằng năm có nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng và thiệt hại lớn về tài sản của người dân. Đuối nước đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.
Thời gian qua, trên cả nước nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, nhiều vụ việc trẻ em đuối nước, nhất là vào thời điểm mùa hè nắng nóng. Từ đầu năm tới nay, khoa Cấp cứu bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên tiếp nhận 4 ca đuối nước nguy kịch đều là trẻ nhỏ, trong đó 2 ca tử vong, 1 ca vẫn đang điều trị tích cực, 1 ca điều trị khỏi.
Trường hợp đuối nước có thể xảy ra với bất kỳ ai xung quanh chúng ta, thậm chí ngay cả bản thân, vì vậy ngoài việc trang bị kỹ năng cần thiết khi bơi, thì việc trang bị kỹ năng sơ cứu ban đầu khi bị đuối nước cũng không kém phần quan trọng: Khi phát hiện trường hợp đuối nước người dân cũng có những kỹ năng cần thiết để cứu vớt người bị nạn như hô to để tạo sự chú ý mọi người xung quanh đến cứu. Tận dụng hết sào, dây, gậy, can nhựa để quăng cho người bị nạn.
Các bước sơ cứu ban đầu:
Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi.
Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Nếu trẻ còn tự thở, cho trẻ nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.
Những việc làm không đúng cần tránh
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng chống đuối nước cho người dân và đặc biệt là trẻ em, Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên khuyến cáo: Các gia đình, cha mẹ cần giám sát con em mình chặt chẽ, không nên cho con em mình tự đi các ao hồ, sông, suối. Khi đi bơi nên đi chung với những người bơi giỏi và nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền. Chỉ đi bơi ở các hồ bơi bảo đảm an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát. Ở nhà có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để những lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có (như vùng phải tích trữ nước ngọt để dùng) nên đậy thật chặt để trẻ em không mở nắp được.