• Cảnh báo nguy hiểm tiền sản giật thai kỳ: mối nguy hiểm cho cả sản phụ và thai nhi
  • Thời gian đăng: 20/02/2023 03:10:53 PM
  • Tiền sản giật (TSG) là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén, đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp (HA) và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật, tiền sản giật thường xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Khi bệnh khởi phát trước tuần thứ 34, được gọi là TSG khởi phát sớm. TSG cũng có thể xuất hiện trong những tuần đầu sau sinh.Tính từ 01/01/2023 đến nay, khoa phụ Sản – Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã tiếp nhận và điều trị 10 ca tiền sản giật trong đó có 3 ca rất nặng.

    Theo Ths.Bs Ngô Thị Nhung – Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên cho biết các dấu hiệu của tiền sản giật có thể kể đến như: tăng huyết áp, có protein niệu, phù hai chân, nhức đầu hoa mắt chóng mặt, khó thở, nhìn mờ, đau đầu, nôn mửa, đau bụng trên rốn và hạ sườn phải, trong đó tăng huyết áp là triệu chứng chính và hay gặp nhất.

    Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tiền sản giật? Cho đến nay, vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân tiền sản giật. Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể góp phần dẫn đến sự xuất hiện tiền sản giật: thai phụ sinh con khi trên 35 tuổi, dưới 18 tuổi, đa thai hoặc mẹ hút thuốc lá, có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường, bệnh thận, hoặc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ trước đó; có tiền sử mang thai lần trước tiền sản giật, tăng huyết áp, hội chứng thận hư.

    Tiền sản giật gây ra các biến chứng cho thai nhi: thai nhi chậm tăng trưởng, suy thai, thai lưu. Ngoài ra, tiền sản giật còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm cho sản phụ như: rau bong, sản giật, hội chứng HELLP, băng huyết sau sinh, phù phổi cấp, xuất huyết não, phì não, suy thận cấp hoặc mạn tính,...

    Để hạn chế và phòng ngừa tiền sản giật thai phụ cần khám thai định kỳ theo lịch, kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm thai. Ngoài ra thai phụ nên tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên; bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể; không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, caffeine; ngủ đủ 8 tiếng/ngày; ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng khỏe mạnh; bổ sung dinh dưỡng và vitamin hợp lý. Đồng thời, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường như phù chân tay, mặt, toàn thân, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, nhìn mờ, đau vùng trên rốn ...thì thai phụ nên đi khám ngay để kịp thời phát hiện bất kỳ yếu tố nguy cơ nào, kể cả triệu chứng tiền sản giật./.

  • Tác giả: Linh Trang
  • Telemedicine (Hội chẩn từ xã) với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức mổ cấp cứu tại Bệnh viện ĐK tỉnh Điện Biên